Nghệ An nguy cơ cháy nổ từ “Làng phế liệu”

Đi dọc một số tuyến đường trong xã Diễn Hồng, cảnh tượng đập vào mắt là rất nhiều vựa phế liệu đủ loại, chất cao như núi, để tràn lan ra cả lòng, lề đường. Nhiều nhà có kho, bãi chứa phế liệu khổng lồ.

Theo thống kê, Diễn Hồng hiện có 11 cơ sở kinh doanh phế liệu, tập trung thành “làng phế liệu” nằm ngay cạnh quốc lộ 1A. Tại đây có hàng trăm loại phế liệu như xe máy, máy bơm nước, quạt… gom từ nhiều nơi được về tập kết và thu mua tại đây. Bên cạnh những phế liệu thông thường như giấy, sắt vụn thì những loại phế liệu tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao, có thể gây ô nhiễm môi trường như vỏ bình gas vẫn được thu gom về đây.

Chị Nguyễn Thị Thủy- người chuyên thu mua phế liệu – cho biết: “Mỗi ngày, chúng tôi thu mua hàng trăm tấn phế liệu đủ các loại, từ nhiều nơi, trong đó có nguồn từ Lào về. Phế liệu được xử lý rồi vận chuyển đi các nơi khác bán. Do tính chất công việc cũng như có nhiều loại phế liệu phải dùng máy cưa cắt để cho nhỏ gọn, bớt cồng kềnh”. Chị Thủy cho biết thêm, làm nghề này cũng nơm nớp lo sợ, không biết cháy nổ bất cứ lúc nào. Cứ tầm 2-3 ngày lại có cán bộ của các cơ quan chức xuống kiểm tra 1 lần.

Điều đáng nói là, các điểm thu mua phế liệu hầu hết đều nằm xen kẽ các khu dân cư đông đúc, phế liệu giấy, bìa các-tông, vỏ chai nhựa, sắt thép đều được chất thành từng đống lộn xộn dưới những căn nhà tạm bợ, xuống cấp. Hệ thống lưới điện được mắc chằng chịt, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.

Ông Nguyễn Hồng Trung – Chủ tịch UBND xã Diễn Hồng- cho biết: Trong số 11 hộ kinh doanh thu gom phế liệu, có 3 hộ nấu phôi thép, sử dụng hàng trăm lao động. Thu nhập người lao động giao động từ 3,5 đến hàng chục triệu/tháng; còn các chủ hộ kinh doanh thì thu nhập rất cao. Từ trước đến nay, trên địa bàn không xảy ra các hiện tượng vi phạm về kinh doanh phế liệu là vũ khí, vật liệu nổ…

Theo ông Trung, việc các chủ hộ để phế liệu tràn ra lề, lòng đường là có. Chính quyền địa phương đã nhiều lần nhắc nhở, vận động, bà con có khắc phục nhưng chưa triệt để vì khối lượng phế liệu quá lớn.

Trong đợt kiểm tra đầu năm 2018, Công an và chính quyền địa phương đã lập biên bản tiếp nhận từ hộ Trần Ngọc Thế 28,2 kg phế phẩm của vũ khí, vỏ đạn… do chủ hộ tự giao nộp. Hộ Mai Song Truyền cũng tự nguyện nộp một số vỏ đạn pháo 105 mm. Tất cả các hộ đã ký cam kết không kinh doanh, vận chuyển các phế liệu có nguy cơ cháy nổ cao, vũ khí, vật liệu nổ…

Ngoài ra, theo ông Trung, trên địa bàn có một số lò nấu nhựa tái chế gây ô nhiễm, nấu trộm ban đêm…